Trang chủ / Tin tức / Vai trò - Giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam

Vai trò - Giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

1. Vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp và định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam

Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nông nghiệp là ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu với sự gia tăng nhiệt độ và thời tiết cực đoan đã và đang tác động trực tiếp đến tất cả lĩnh vực ngành nông nghiệp, như: giảm diện tích đất, giảm lưu lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; gia tăng cường độ các cơn bão, nước biển dâng và dịch bệnh; giảm đa dạng sinh học … Hệ quả tất yếu là làm giảm năng suất, chất lượng, thậm chí thất thu trong nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào quản lý rủi ro sẽ giúp cảnh báo sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó, các cấp, ngành, người nông dân sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế được rủi ro do biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Nông nghiệp với vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam - Tạp chí Tài chính

Ảnh minh họa

Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch …), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân. Hơn nữa, việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhờ đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng hiệu quả hơn. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào trong điều hành, quản lý sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, công nghệ số còn giúp tăng hiệu quả điều hành, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Vì vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” mà mục đích cuối cùng là nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

2. Kết quả thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, công nghệ số được ứng dụng trong quản lý, điều hành của Ngành

Để ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành các hoạt động của ngành, Bộ NN&PTNT đã số hóa văn bản chỉ đạo, cung cấp dữ liệu để kết nối, liên thông và chia sẻ với các địa phương, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ NN&PTNT có 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi đã được số hóa phục vụ quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, chủ trì các Hội nghị trực tuyến giao ban của ngành; Hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ với các bộ, ngành liên quan và 63 điểm cầu cả nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Qua đó công tác quản lý, điều hành việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, kịp thời và hiệu quả hơn..

Ảnh minh họa

Thứ hai, công nghệ số được ứng dụng vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Trong trồng trọt, công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Ở phía Nam, một số hợp tác xã, doanh nghiệp ở phía Nam đã thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực thủy sản, chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng hệ thống sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nuôi tôm đã giúp phân tích dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn của tôm. Công nghệ tự động hóa được sử dụng trong chế biến thủy hải sản từ phân loại, hấp, đóng gói… cũng đã làm giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực, thời gian, bảo đảm chất lượng nên tăng hiệu quả và bền vững.

Thứ ba, công nghệ số được ứng dụng trong tiêu thụ hàng nông sản

Hiện nay, công nghệ số đã được sử dụng trong kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là trong đại dịch Covid 19 phải thực hiện giãn cách xã hội, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng nông sản, công nghệ số đã được các địa phương sử dụng vào quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ nông sản, giúp cho ngành nông nghiệp vượt khó mùa dịch. Điển hình là tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản chủ lực của tỉnh qua hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành trong nước và với 60 điểm cầu tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng hàng trăm điểm cầu liên kết khác trong và ngoài nước. Nhờ đó, đã mang lại kết quả tích cực cho nông sản trên địa bàn tỉnh: giá cao hơn hẳn so với trước đó và tiêu thụ dễ dàng hơn.

Trình độ nông dân - đội ngũ lao động trực tiếp đưa công nghệ số vào sản xuất còn thấp. Trong nông nghiệp công nghệ số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân còn phải sử dụng thêm dữ liệu số và công nghệ số. Do đó, bên cạnh kỹ năng sản xuất, nông dân phải có thêm tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng và công nghệ sinh học… Tuy nhiên, trình độ khoa học học công nghệ của người nông dân nước ta còn thấp, năm 2020, cả nước mới có 16,3% lao động khu vực nông thôn đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, riêng lao động nông, lâm, thủy sản trong độ tuổi chỉ có 10,03% được đào tạo. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên gặp khó khăn trong thao tác cũng như đánh giá hiệu quả. Có thể nói, rào cản này là trở ngại lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp trong giai đoạn tới.

3. Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam

Một là, nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Đây là yếu tố tiên quyết trong chuyển đổi số. Chỉ khi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thực hiện công nghệ số trong ngành nông nghiệp thì các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân mới tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền trên các phương tiên thông tin dại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhất là nông dân - chủ thể chính và trực tiếp của ngành nông nghiệp, tạo nền móng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. 

Hai là, nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh. Thực hiện giải pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào ngành nông nghiệp. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet băng thông rộng chất lượng cao (hạ tầng mạng di động 4G, 5G, hạ tầng kết nối IoT) đến tận xã, thôn, bản; nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông cho người dân; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (cung cấp mạng internet không dây) miễn phí tại trung tâm các xã, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm du lịch nông thôn; tiến tới, phổ cập hạ tầng số theo hướng mỗi hộ nông dân một điện thoại thông minh, một đường cáp quang phổ cập định danh số cho nông dân.

Ảnh minh họa

Ba là, đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng, người trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, số hóa văn bản điều hành của Bộ. Có thể nói, thực hiện giải pháp này tạo dữ liệu để ngành nông nghiệp tích hợp, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số. Trước hết, Bộ NN&PTNT phối với với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành, xây dựng bản đồ số nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng của từng địa phương; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, thời tiết… cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo đúng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR. 

Bốn là, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Trước hết, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và phổ biến nội dung chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng vào chương trình học các bậc học phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương phối hợp triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, khai thác dịch vụ số cho bà con nông dân, chủ trang trại. Từ đó, người sản xuất sẽ nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng livestream, tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng “trồng chặt”. Ngoài ra, phát động doanh nghiệp công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn thông qua phổ biến một số nền tảng chuyển đổi số quan trọng, ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc, truy xuất nguồn gốc, kết nối cung - cầu giữa người dân và doanh nghiệp.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả. Trước hết, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tham mưu cho Chính phủ  xây dựng hệ thống chính sách phục vụ chuyển đổi số phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi phục vụ chuyển đổi số của Ngành; hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp có đủ nguồn lực để ứng dụng công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực số, liên kết cộng đồng doanh nghiệp số; rà soát, sửa đổi bổ sung các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước cho ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số vào nông nghiệp; đơn giản thủ tục tiếp cận hạ tầng công nghệ, đất đai, nguồn vốn; rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục…đầu tư vào nông nghiệp.  

Nguồn: (luatchinhtri.vn)

Biên tập nội dung: Nguyễn Ngọc Hùng

Tư vấn dịch vụ xin vui lòng liên hệ